Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

đường Bàn Văn Hoan - Con đường mang tên người anh hùng


Bài này được đăng ở Báo Bắc Kạn ra ngày 31/3/2012 và Tạp chí Văn nghệ Ba Bể số tháng 4/2012: 
                                         
khu dân cư Quang Sơn, thị xã Bắc Kạn có một con đường mang tên ông Bàn Văn Hoan nguyên phó chủ nhiệm Việt Minh khu Quang Trung, một người con ưu tú của Bắc Kạn mà công lao cũng như tên tuổi của ông còn ít được biết đến. Tôi đã được ông Ô Phúc Bình 84 tuổi, có 60 năm tuổi Đảng, nguyên Trưởng phòng Lương thực huyện Chợ Rã nay là huyện Ba Bể từ 1960-1978 hiện thường trú tại bản Cốc Lót, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể cung cấp một số tư liệu do ông sưu tầm, ghi chép và tiếp xúc với nhiều nhân chứng trong đó có ông Bàn Văn Cao là em ruột của ông Bàn Văn Hoan, nên tư liệu cũng có phần rất đáng tin cậy. Vì vậy tôi xin tập hợp lại, viết ra đây để cùng tham khảo:

          Ông Bàn Văn Hoan tên thật là Bàn Văn Xuân, sinh ra và lớn lên ở thôn Lủng Cháng, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể là người Dao Tiền, ông sinh năm 1910 (có tài liệu ghi là sinh 1909), lúc tham gia cách mạng lấy bí danh là Công Trình, sau lại lấy bí danh khác là Bàn Văn Hoan. Bố ông Hoan tên là Bàn Văn Kiều mất sớm, mẹ là Triệu Thị Nái quê ở Nà Cuốc, bản Sủ , xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn di cư sang Lủng Cháng lập nghiệp; em trai ông là Bàn Văn Chiểu sinh năm 1912 bí danh là Bàn Văn Cao. Vợ ông Hoan có hai con gái hiện nay vẫn còn sống: Bàn Thị Chung sinh năm 1935 lấy chồng ở Bản Chang (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và Bàn Thị Chủ sinh năm 1938 nay ở thôn Nà Hin (xã Hà Hiệu, Ba Bể).

          Ông Bàn Văn Hoan là người Hà Hiệu đầu tiên được kết nạp vào Đảng, ông Hoan đi công tác và bị bắt ở Lủng Viền, huyện Ngân Sơn do tên Quản Chiểu Đình bắt và đưa về giam ở nhà tù Bắc Kạn. Ông bị Pháp xử bắn ngày 16 – 5 – 1944 cùng các ông Phan Văn Long là người ở xã Vân Tùng , huyện Ngân Sơn và ông Nông Văn Bọc (ông Bọc là anh ruột của nhà thơ Nông Quốc Chấn và nhà văn Nông Viết Toại , xã Cốc Đán , huyện Ngân Sơn), địa điểm xử bắn tại Km 7, đường Bắc Kạn - Chợ Đồn thuộc địa phận xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông hiện nay.

Sau ngày xử bắn ông Hoan, giặc Pháp bắt mẹ và vợ con ông cùng gia đình em ruột là ông Bàn Văn Cao đi quản thúc ở khu Pá Danh (xã Huyền Tụng, TX. Bắc Kạn), cuộc sống vô cùng khổ sở, khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3 – 1945 họ mới được thả về. Hài cốt ông Bàn Văn Hoan đã được em ruột là Bàn Văn Cao đưa về táng tại Lủng Cháng, xã Hà Hiệu, ông đã được nhà nước truy tặng là liệt sĩ. Cách đây hai năm theo yêu cầu của con gái ông Bàn Văn Hoan, hài cốt ông Hoan đã được đưa về quy tập tại Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện Ba Bể, hiện tên ông có ghi trên Nhà bia liệt sĩ xã Hà Hiệu. Ông Phúc Bình còn cung cấp thêm: theo lời kể của ông Bàn Văn Cao, đồng chí Văn tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian hoạt động ở Lủng Cháng đã thường xuyên ở nhà ông Hoan, Đại tướng  đã nhận mẹ ông Hoan là mẹ nuôi, ông Hoan, ông Cao là em nuôi có làm lễ kết nghĩa…Những chi tiết này đã được nêu trong các tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: cuốn Những Chặng đường lịch sử có đoạn: “ …Trên dọc đường, có những khu mới thành lập. Đồng bào dân tộc Mán Tiền ở vùng giáp giới hai tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn, đã được tổ chức thành khu Quang Trung. Khi qua vùng này, tôi vào ở lại nhà đồng chí Hoan, người đảng viên đầu tiên của dân tộc Mán Tiền. Gia đình tiếp đón rất niềm nở. Để giữ bí mật cho cán bộ, vợ chồng đồng chí Hoan đã nhường phòng riêng cho chúng tôi. Theo tục lệ lâu đời, đồng bào Mán tiền rất kiêng, không bao giờ để người lạ ở trong phòng riêng của vợ chồng. Đêm nằm nghe các em ở những nhà bên vừa giã gạo vừa ê a học Việt Minh ngũ tự kinh, vui vui, thấy tư tưởng cách mạng đã được truyền đi khá xa, các ban xung phong Nam tiến đã tiến hành công tác khá tốt.…”.
Sau khi ông Hoan bị giặc bắn, đồng chí Văn có dịp gặp lại mẹ nuôi ( tức mẹ ông Hoan ), tập Hồi ký Nhân dân ta rất anh hùng của Đại tướng cũng có hai đoạn ghi chi tiết này: “…Tới Hà Hiệu, rẽ vào nhà đồng chí Hoan, gia đình nói cho biết, đồng chí Hoan đã bị bắt, có lẽ chúng đã giải về Bắc Kạn…” và đoạn:”… Về Hà Hiệu, chúng tôi dừng lại, cử người vào hỏi thăm đồng chí Hoan. Bà mẹ đồng chí Hoan theo đồng chí liên lạc ra rừng gặp chúng tôi. Cụ vừa khóc vừa kể lại, đồng chí Hoan bị địch bắt đem về Bắc Kạn, chúng tra tấn anh mười một lần chết đi sống lại để truy tìm tung tích cách mạng, anh vẫn không khai một lời, cuối cùng, chúng đã bắn chết anh. Cụ nhất định đòi chúng tôi phải vào nghỉ trong nhà.
Bản này chỉ có vài ba gia đình, hết thảy đều tốt. Chúng tôi theo cụ vào nhà. Chị Hoan kể lại cho chúng tôi… Trước ngày anh Hoan bị bắn, chị có lên Bắc Kạn thăm. Anh Hoan nói với chị: “Có lẽ nó sẽ bắn tôi, nhưng ở nhà đừng lo, cách mạng thể nào cũng thành công. Ở nhà phải trung thành với đoàn thể, giúp đỡ anh em cán bộ hoạt động”. Rồi anh đưa cho chị một miếng cao và nói: “Tôi có miếng cao hổ cốt này, đêm về giữ lấy cẩn thận, gặp đồng chí Văn thì nói tôi có lời hỏi thăm, và nhờ đưa miếng cao này cho đồng chí dùng để giữ sức khỏe mà làm công tác”. Tôi nhìn miếng cao trong tay chị Hoan, nước mắt muốn trào ra.

Bà mẹ đồng chí Hoan trỏ cum lúa nếp để trên gác bếp, nói:
- Bây giờ Hoan đã mất, mùa màng lại kém, nhưng mùa nào mẹ cũng để dành thóc nếp cho các con đấy, cứ chờ đợi du kích mãi. Các con cố gắng giết sạch bọn Tây, bọn Nhật thời người Mán mới sống được…”

Lủng Cháng nhìn từ Rừng Đại tướng

Ông Phúc Bình kể tiếp:
Ông Bàn Văn Cao là em ruột của Bàn Văn Hoan, khoảng năm 1950 đến 1959 hưởng ứng phong trào hạ sơn đã đến Cốc Lót, xã Hà Hiệu dựng nhà mua mấy bung ruộng sinh sống vì ở gần nhà tôi nên nhiều lúc rỗi rãi ngồi nói chuyện ôn lại những sự việc xa xưa nay tôi hồi tưởng lại vẫn còn nhớ. May mắn thứ 2 là những năm 1960, 1961, 1962 tôi được lên Huyện uỷ nhận chức vụ phó văn phòng huyện uỷ Chợ Rã. Lúc này có đồng chí Nông Thanh Quang ở xã Chu Hương, đã sớm giác ngộ cách mạng, là liên lạc viên cho cán bộ thượng cấp của Việt Minh. Đ/c Nông Thanh Quang không có gia đình vợ con nên lúc về già không có nơi nương tựa. Nên Tỉnh uỷ Bắc Kạn lúc đó có giao cho Huyện uỷ Chợ Rã có trách nhiệm đón đ/c Thanh Quang về nương tựa sống ở cơ quan nhà nước. Bố trí cho đ/c Quang có tên trong danh sách nhân sự để có một xuất lương nên Thường vụ Huyện uỷ giao cho tôi bố trí vào bộ phận văn phòng làm liên lạc tạp vụ. Cho nên tôi lại có dịp trò chuyện với đồng chí Thanh Quang về những hoạt động cách mạng những năm trước đây.


Ông Ô Phúc Bình - Đằng sau là rừng Đại tướng


Đ/c Thanh Quang kể: Tôi được các cán bộ thượng cấp của Việt Minh giao nhiệm vụ liên lạc (có thể như bây giờ gọi là giao liên) Giữa trạm Lủng Cháng – Nà Đông ( thuộc xã Chu Hương chân núi Phia Bióoc) Trạm Lủng Cháng được đặt ở nhà đ/c Bàn Văn Hoan. Các cán bộ đi lại làm nhiệm vụ Nam tiến đều qua 2 trạm này, mỗi trạm đều có trạm tiếp theo lên hoach xuống mỗi khi có cán bộ thượng cấp qua lại khi trạm trên đưa đến trạm Lủng Cháng tôi phải đến đón dẫn đường đến trạm Nà Đông rồi ở đó có người khác ở trạm tiếp đón đi. cả khi các cán bộ xong việc trở về chiến khu cũng đều phải đưa đón theo quy luật trên. Riêng  đ/c Văn, tôi đã được đưa lên đưa xuống 2, 3 lần nên được đ/c Văn tỏ lời kết nghĩa anh em. Tất cả các cuộc đi lại đều là đi đêm, không đèn đuốc gì. Nhiệm vụ liên lạc này chỉ được người nào dứt khoát người đấy, không ai được thay. Nhà đ/c Hoan ở Lủng Cháng mỗi khi có cán bộ giao liên đến là tối không nhóm bếp, không đốt đèn, ăn cơm ở trong buồng tối mịt, muốn ăn gì phải sờ soạng bằng tay.

Bọn kì lí, kì hào, lính dõng, tay sai của Pháp ở xã cũng đã đánh hơi Lủng Cháng là đất không an toàn với chúng, cho nên họ thường xuyên vài ngày lại tới tuần tra lùng sục Cách mạng.
Đ/c Văn tạm trú ở nhà đồng chí Hoan nhưng khi yên tĩnh có khi ở đến mấy ngày chờ đợi giao liên đến đón. Đồng chí Hoan đã giao cho hội viên La Văn Lén lúc đó làm trưởng thôn của chính quyền cũ, nhưng giác ngộ tham gia cách mạng, nhà ông Lén ở đầu thôn,, mỗi khi có bọn lùng sục đến thì ông cử người nhà lên báo có động. Đồng chí Văn ở nhà ông Hoan mỗi khi có động thì ra khỏi nhà lên khu núi đá lắm hang hốc ở đằng sau nhà ông Hoan tránh mặt sau khi bon này rút thì lại trở về nhà.

Nhưng đám tay sai này cũng có nhiều thủ đoạn xảo quyệt. Đêm đến họ mới lên vùng xa nhà ông Lén vì sợ tiếng chó sủa, họ bí mật luồn lách đến đến vây nhà đ/c Hoan, đ/c Văn ở trong nhà không kịp tránh, nhưng nhờ có sự chuẩn bị trước của mẹ nuôi, bà này hàng ngày lên gác có mấy đống lúa nếp, bà đã xếp một đống trong có một chỗ trống người ngồi vào lọt. Đồng chí Văn lúc đó chui vào dống lúa lấy một nắm thóc nếp ủ lên trên trông giống như các đống thóc khác, nên khi bọn này lên gác lùng sục không phát hiện ra, nên đ/c Văn thoát nạn.

Cuộc vây ráp thứ 2, đ/c đã ra được khỏi nhà, lên đến khu núi đá lắm ngóc nghách, nên bọn địch cũng lên lùng sục qua loa không phát hiện ra.
Vùng núi đá này có rất nhiều ngóc nghách hiểm trở. Nhưng dến nay cũng không được biết là đồng chí Văn tránh vào ngách nào. Hỏi đồng chí Bàn Văn Cao hoặc bà Bàn Thị Hoa thì khi đưa cơm nước thì cứ để ở chỗ đã quy định rồi về không cần gặp mặt, khi nào cần thiết thì đồng chí Văn tự ra nơi quy định lấy; chứng tỏ công tác bí mật lúc đó đựơc quán triệt rất triệt để.


Cây đa nơi đ/c Bàn Văn Hoan huấn luyện Du kích
Hiện nay nhà đồng chí Hoan chỉ còn lại vết tích cũ là cái nền nhà, nhưng nay dân Lủng Cháng đã sử dụng làm nương gieo ngô. Cây vải đồng chí Hoan trồng nay còn đó tươi tốt, hàng năm sai quả.Cả vùng núi đá đằng sau nhà đồng chí Hoan nay vẫn được bảo vệ cây cối um tùm. Không có cá nhân hoặc tổ chức nào đặt tên nhưng những người dân mộc mạc tự ngưỡng mộ nên tự đặt tên là  “Rừng Đại Tướng” người này truyền miệng người kia, không ai biết rõ ai là tác giả của tên này. Giờ đây, đứng trên đường Bàn Văn Hoan, nhớ thêm những hy sinh, xương máu của các thế hệ cách mạng anh dũng, người Dao nói riêng không ai không tự hào, cảm động khi chứng kiến diện mạo thị xã tỉnh nhà đổi thay, đã có con đường mang tên người anh hùng, người Đảng viên đầu tiên của dân tộc Dao, con đường nâng bước người Dao xây dựng cuộc sống hạnh phúc, thoả nguyện những người đã ngã xuống./.

Chú thích ảnh: ở nơi mà người  dân Lủng Cháng gọi là Rừng Đại tướng, nơi ghi dấu những hoạt động cách mạng của đại tướng Võ Nguyên Giáp trước cách mạng tháng Tám và cảnh Lủng Cháng nhìn từ Rừng Đại tướng )

                                                          Ô Kim Phòng
                                       

Một số tư liệu khác:
*Về chi tiết đồng chí Bàn Văn Hoan là đảng viên đầu tiên của dân tộc Dao tiền. Hồi ký Con đường Nam Tiến, NXB Văn hoá dân tộc, 1995 của đồng chí Nông Văn Quang có ghi:


"....Trước hết, thành lập khu Quang Trung riêng cho các vùng dân tộc Dao; bầu Ban Chấp hành Việt Minh khu trên cơ sở ba châu Lê Lợi, Kháng Pháp và Kháng Nhật1 (Châu Lê Lợi gồm xã Hoa Thám... Châu Kháng Pháp có các xã Hưng Đạo. Đội Cung... Châu Kháng Nhật tức châu Chợ đồn). Bầu cử bằng bỏ phiếu kín kết quả bầu Ban Chấp hành khu Quang Trung gồm: đồng chí Thượng bí danh Tuyên Truyền làm chủ nhiệm. Đồng chí Bàn Văn Hoan có bí danh là Công Trình làm phó chủ nhiệm và đồng chí Thành Công ủy viên Ban Chấp hành khu. Trong ba người có đồng chí Bàn Văn Hoan là người dân tộc Dao Tiền đầu tiên được kết nạp đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương...."

* Về đồng chí Thanh Quang, tập Hồi ký Nhân dân ta rất anh hùng của Đại tướng Võ Nguyên Giápcũng có đoạn nói về đồng chí như sau:
"....Tôi cùng anh Hoàng Sâm chọn một số đồng chí trong các đội vũ trang địa phương, tổ chức thành một trung đội Nam tiến. Trong thời gian này, đồng chí Thanh Quang ở Chợ Rã lên cho cho biết, tại chân núi Phia Bioóc vẫn còn một số bản có cơ sở rất tốt. Chúng tôi quyết định sẽ đi hẳn về chân núi Phia Bioóc, củng cố  vùng này, đặt cơ quan tại đây rồi đánh thông đường về phía Nam. ....Đi khoảng sáu, bảy đêm liền, vượt qua Chợ Rã đến chân núi Phia Bioóc. Đã đến đích, ai nầy đều vui mừng. Trung đội nghỉ ở một rừng vầu. Những ngày trước, hễ đến địa điểm là mọi người tranh thủ ngay, nhưng hôm đó phấn khởi quên mệt, anh em đẵn cây làm lán xong xuôi mới đi nghỉ.
Trong khi đó, đồng chí Thanh Quang đi bắt liên lạc với cơ sở.
Buổi chiều, đồng chí Thanh Quang phờ phạc quay về cho biết, địch đang tiến hành khủng bố tại vùng này, nhiều đồng chí vừa bị bắt. Chúng tôi hỏi lại đồng chí Thanh Quang cặn kẽ, và cử người đi gặp một số trung kiên ở địa phương để nắm rõ tình hình
. Khi về, các đồng chí đều nói, cuộc khủng bố của địch rất gắt gáo, binh lính địch vẫn đóng tại các làng bản, nhiều đồng chí bị bắt, nhiều nhà cửa bị đốt. Anh Hoàng Sâm và tôi thảo luận với nhau, nhận thấy tình hình đã thay đổi, cơ sở như vậy là không còn, đội không có điều kiện để ở lại đây
..."

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ