Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020


ĐI TÌM NGƯỜI LIÊN LẠC CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Đồng chí Thanh Quang, người liên lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trong phong trào Nam Tiến, là người hoạt động cách mạng rất nổi tiếng của huyện Chợ Rã thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám.
 Là thế hệ con cháu, lại cùng quê ở xã Chu Hương nhưng chuyện về ông, chúng tôi nghe được chủ yếu qua truyền khẩu, thông tin qua sách, báo và truyền thông rất ít. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2 tháng 9, 120 năm ngày thành lập tỉnh Bắc Kạn, tôi quyết tâm tìm gặp các nhân chứng, các cơ quan liên quan để thu thập các tài liệu, đồng thời đến các xã Hà Hiệu, Chu Hương - những nơi in đậm dấu chân ông để tìm hiểu chân dung một người cách mạng có công lao với quê hương, đất nước...

***
Đầu năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng phải mở rộng căn cứ địa nối Cao Bằng với Bắc Sơn - Vũ Nhai, xây dựng thành một hành lang chính trị vững chắc từ miền núi xuống miền xuôi để giữ mối liên lạc với Trung ương trong mọi tình huống.Theo chỉ thị của Bác và quyết định của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, công tác Nam tiến được đặt ra nột cách rất khẩn trương”;hướng “Nam tiến” do các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ trách có nhiệm vụ chỉ huy các đội mở con đường từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) nối liền với Chợ Đồn - Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên).
          Quãng năm 1944, theo giới thiệu của đồng chí Thanh Quang tại chân núi Phia Bioóc vẫn còn một số bản có cơ sở rất tốt nên đồng chí Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập một trung đội Nam Tiến, từ Nguyên Bình đi hẳn về bản Nà Đông, củng cố vùng này, đặt cơ quan tại đây rồi đánh thông đường về phía Nam. Hồi ký Từ nhân dân mà ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo bản in năm 1964 của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội) ghi lại:
“…Tôi cùng anh Hoàng Sâm chọn một số đồng chí trong các đội vũ trang địa phương, tổ chức thành một trung đội Nam tiến. Trong thời gian này, đồng chí Thanh Quang ở Chợ Rã lên cho cho biết, tại chân núi Phja Bjoóc vẫn còn một số bản có cơ sở rất tốt. Chúng tôi quyết định sẽ đi hẳn về chân núi Phja Bioóc, củng cố vùng này, đặt cơ quan tại đây rồi đánh thông đường về phái Nam. Chúng tôi mang theo một phiến đá in định về đó sẽ ra báo.
Trung đội Nam tiến luồn rừng bí mật đi về phía Nam. Đêm đi, ngày nghỉ, đến chiều, sẩm tối lại đi. Trời dạo này, về đêm hay mưa. Nhiều đêm mưa tầm tã, đường rừng biến thành suối, mọi thứ mang trên người ướt hết. Trời tạnh, tạt vào một hang núi kín đáo, đốt lửa hơ quần áo cho khô, rồi lại tiếp tục đi. Mỗi khi qua những làng bản có cơ sở, chúng tôi chỉ cử người vào hỏi thăm tình hình đường sá, sự hoạt động của địch, rồi đi ngay. Nhiều quãng vì đường độc đạo, không có chỗ tránh, buộc phải đi giáp những làng bản tập trung, có lính địch canh gác nghiêm ngặt. Các bốt canh của địch trên dọc đường gõ mõ lốc cốc suốt đêm. Có đêm phải lội những con suối nằm giáp với bốt canh. Cả đoàn im lặng, cẩn thận đặt từng bước chân xuống bùn, tay chống gậy phải thật nhẻ để khỏi phát ra tiếng đông. Đi khoảng sáu, bảy đêm liền, vượt qua Chợ Rã đến chân núi Phja Bjoóc. Đã đến đích, ai nầy đều vui mừng. Trung đội nghỉ ở một rừng vầu. Những ngày trước, hễ đến địa điểm là mọi người tranh thủ ngay, nhưng hôm đó phấn khởi quên mệt, anh em đẵn cây làm lán xong xuôi mới đi nghỉ.
Trong khi đó, đồng chí Thanh Quang đi bắt liên lạc với cơ sở. Buổi chiều, đồng chí Thanh Quang phờ phạc quay về cho biết, địch đang tiến hành khủng bố tại vùng này, nhiều đồng chí vừa bị bắt. Chúng tôi hỏi lại đồng chí Thanh Quang cặn kẽ, và cử người đi gặp một số trung kiên ở địa phương để nắm rõ tình hình. Khi về, các đồng chí đều nói, cuộc khủng bố của địch rất gắt gáo, binh lính địch vẫn đóng tại các làng bản, nhiều đồng chí bị bắt, nhiều nhà cửa bị đốt. Anh Hoàng Sâm và tôi thảo luận với nhau, nhận thấy tình hình đã thay đổi, cơ sở như vậy là không còn, đội không có điều kiện để ở lại đây. Trung đội cử người canh gác các ngả đường. Tất cả các anh em đang ngủ được gọi dậy. Ăn xong bữa cơm chiều, cả đoàn lại lên đường quay về Cao Bằng. Trước khi đi phải đánh dấu rồi chôn phiến đá in lại ở chân núi…”
          Tại cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Ba Bể 1930-1945, do Huyện ủy Ba Bể xuất bản năm 1998 cho biết thêm: “Trong tháng 6-1944, cán bộ Nam Tiến gồm các đồng chí Nông Văn Quang (Quang béo), Thanh Quang, Nguyên Tài từ Cao Bằng tổ chức nhiều đợt xuống Phja Bjoóc củng cố các Hội Việt Minh ở Nà Đông, Píc Cáy...”(trang 44).
         
Một số hồi ký, tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tác giả khác
Như vậy, có thể thấy về tài liệu lịch sử đảng và hồi ký của Đại tướng là những cơ sở, bằng chứng quan trọng về sự tồn tại của nhân vật Thanh Quang, tuy nhiên để biết thêm nhiều thông tin hơn nữa thì theo cách thông thường phải tìm gặp nhân chứng, khó là ông Quang đã mất trên vài chục năm rồi nên những người từng có dịp tiếp xúc, gặp gỡ và biết về ông hẳn là không nhiều nhưng cũng không phải không có hy vọng. Quả nhiên, xuống Pù Mắt vừa đặt vấn đề, anh Lê Hùng, Trưởng Công an xã Chu Hương cũng là anh con bác tôi khẳng định “em cứ xuống ông Đòng hỏi nhé, cụ hơn 90 tuổi rồi chắc là biết”. Vội theo chân ông anh, tôi đến nhà cụ Nông Văn Đòng, nhà ngay ngã ba đường rẽ sang xã Hà Hiệu, cách con suối nhỏ không xa.
Cụ Nông Văn Đòng trước cửa nhà, theo cụ, ngôi nhà này được xây dựng trên nền nhà cũ của ông Thanh Quang
Cụ Nông Văn Đòng, tính theo tuổi âm lịch thì năm nay đã bước sang 94 (cụ sinh năm 1927) những vẫn khá khỏe mạnh và đặc biệt còn minh mẫn; trước đây cụ cũng từng tham gia tự vệ du kích và được kết nạp đảng từ năm 1949, mới vừa rồi Đảng ủy xã vừa tổ chức Lễ trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho cụ. Chúc mừng cụ về sự kiện nhận huy hiệu đảng đồng thời trao đổi luôn về nội dung cần tìm hiểu, cụ Đòng khẳng định là tôi biết, bản thân đã từng gặp gỡ tiếp xúc nhiều lần với ông ấy! Theo cụ, gia đình ông Thanh Quang vốn là người Cao Bằng xuống cư trú ở bản Nà Đông, xã Chu Hương. Ông tên thật là Phương Văn Phia, không rõ năm sinh, sau hoạt động cách mạng lấy bí danh là Thanh Quang, em trai ông tên là Phương Văn Đán, sinh năm 1928 cũng tham gia hoạt động cách mạng và hy sinh năm 1947 (theo tiếng Tày thì Phja là núi đá, Đán là bàn thạch, quả đúng với phẩm chất cách mạng sắt đá của họ).
Đường vào thôn Bản Trù để lên Nà Đông trên dãy Phja Bjoóc
Cụ Đòng cho biết thêm: Khoảng năm 1942 ông Thanh Quang có chuyển nhà xuống Pù Mắt, và nền nhà cũ của ông Quang chính tại vị trí gia đình cụ đang ở. Trong một buổi vây ráp của giặc Pháp tại căn nhà này, khi không còn cơ hội để lần trốn ông Thanh Quang đã mưu trí chui xuống nằm dưới nền ván lát chồng trâu, ngâm mình trong phân trâu để tránh. Hôm đó, dù giặc khám xét gắt gao nhưng không tìm thấy, nhờ đó mà ông thoát nạn, ông Thanh Quang cũng là người đầu tiên ở xã tự tay đốt nhà mình để thực hiện “vườn không nhà trống”, không cho giặc lợi dụng. Tôi vừa ghi chép những cũng thầm nhận thấy thái độ cụ Đòng không giấu được sự khâm phục đối với đồng chí đàn anh của mình, thi thoảng cụ lại buột miệng: “Ông này hoạt động cách mạng mạnh lắm, nhiệt tình lắm”, “Người thì béo tốt nhưng tác phong thì nhanh thoăn thoắt như sóc”…Tiếc là cả hai anh em ông Thanh Quang đều không xây dựng gia đình, ông mắc bệnh ung thư và mất khoảng năm 1964 nên họ hàng, con cháu hiện nay không còn ai. Ngồi cùng nghe chuyện, anh Lê Hùng, Trưởng Công an xã cũng khẳng định là bản Nà Đông hiện không có hộ nào mang họ Phương…
         
Vị trí nền nhà ông Thanh Quang trước đây nhìn từ chợ Pù Mắt cũ xuống
(nhà mái tôn đỏ chính giữa ảnh)
Sau cách mạng, do ông Thanh Quang không có gia đình nên Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo Huyện ủy Chợ Rã bố trí cho ông làm tạp vụ cơ quan và ở tập thể cơ quan cho đến khi qua đời. Người biết rõ chuyện này là ông Ô Phúc Bình nguyên Trưởng phòng Lương thực huyện Chợ Rã năm nay 94 tuổi, có 73 năm tuổi đảng; trước khi sang công tác tại Phòng Lương thực, ông Ô Phúc Bình là Phó Văn phòng Huyện ủy Chợ Rã cùng làm việc với ông Quang nhiều năm; nên nắm rất rõ về ông này. Sau khi trao đổi, ông Phúc Bình khái quát như sau : Đồng chí Nông Văn Lạc[1], một cán bộ cách mạng đã xây dựng Phương Văn Phia thành cơ sở cách mạng bí mật của Việt Minh và đặt bí danh là Thanh Quang, nhiệm vụ chính là làm liên lạc dẫn đường từ Lủng Cháng đến Nà Đông; trong những lần đó có nhiều lần liên lạc cho đồng chí Văn. Ông từng nghe đồng chí Thanh Quang kể lại: Tôi được các cán bộ thượng cấp của Việt Minh giao nhiệm vụ liên lạc (có thể như bây giờ gọi là giao liên) Giữa trạm Lủng Cháng – Nà Đông (thuộc xã Chu Hương chân núi Phia Bjóoc), Trạm Lủng Cháng được đặt ở nhà đồng chí Bàn Văn Hoan. Các cán bộ đi lại làm nhiệm vụ Nam Tiến đều qua 2 trạm này, mỗi trạm đều có trạm tiếp theo lên hoach xuống mỗi khi có cán bộ thượng cấp qua lại khi trạm trên đưa đến trạm Lủng Cháng tôi phải đến đón dẫn đường đến trạm Nà Đông rồi ở đó có người khác ở trạm tiếp đón đi. cả khi các cán bộ xong việc trở về chiến khu cũng đều phải đưa đón theo quy luật trên. Riêng đồng chí Văn, tôi đã được đưa lên đưa xuống 2, 3 lần nên được đồng chí Văn tỏ lời kết nghĩa anh em. Tất cả các cuộc đi lại đều là đi đêm, không đèn đuốc gì. Nhiệm vụ liên lạc này chỉ được người nào dứt khoát người đấy, không ai được thay. Nhà đồng chí Hoan ở Lủng Cháng mỗi khi có cán bộ giao liên đến là tối không nhóm bếp, không đốt đèn, ăn cơm ở trong buồng tối mịt, muốn ăn gì phải sờ soạng bằng tay…
          Theo ông Phúc Bình: ông Thanh Quang là nhân vật hoạt động cách mạng nổi tiếng có thể nói là số một của huyện Chợ Rã lúc bấy giờ, tính cách gạn dạ của ông khiến sự kiện hai anh em ông theo cách mạng làm bọn quan lại địa phương khiếp vía, đâu đâu cũng thấy xôn xao thông tin: “thằng Phia, thằng Đán ở Nà Đông theo cộng sản rồi”. Chính vì có công lao lớn, nên mặc dù lúc đó còn rất khó khăn, chưa có chế độ chính sách với người có công hoàn thiện như bây giờ nhưng Tỉnh ủy Bắc Kạn vẫn rất quan tâm và giao nhiệm vụ cho lãnh đạo huyện Chợ Rã có trách nhiệm bố trí công việc để ông Quang có nơi nương tựa, ăn ở về già. Cuối đời, ông Thanh Quang mắc căn bệnh ung thư phần xương hàm nên bị lở loét hỏng 1 bên hàm mặt. Trong quá trình đi điều trị tại Quân y viện 108, có lần ông Thanh Quang có ý kiến đề nghị cán bộ bệnh viện báo cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp để gặp, ban đầu tưởng ông đùa nên cán bộ bệnh viện còn nói kháy: “Ông là ai mà dám đòi gặp Đại tướng?”, tuy vậy ông vẫn khăng khăng đòi gặp bằng được; thấy lạ, bệnh viện mới thông tin lên cấp trên để báo cáo với Đại tướng về trường hợp này. Nghe tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đến viện gặp, động viên ông điều trị; sự kiện này khiến cả Quân y viện 108 xôn xao nhiều ngày, từ đó mọi người nhìn ông bằng thái độ kính nể. Khi bệnh quá nặng phải trả về thì chính Đại tướng chỉ đạo cho xe đưa ông về địa phương, lúc qua đời ông được chôn tại Tin Đồn (khu vực trụ sở UBND huyện Ba Bể hiện nay). Về chi tiết phiến đá Đại tướng định dùng để in báo Việt Nam độc lập, do tình hình thay đổi nên đã chôn ở Nà Đông như hồi ký của Đại tướng đã nêu ở trên; thì theo ông Phúc Bình, khoảng những năm 1960, Tỉnh ủy cử cán bộ cùng ông Thanh Quang về Nà Đông để tìm lại phiến đá trên nhằm thu thập, lưu giữ làm tư liệu lịch sử. Đoàn công tác đã tìm kiếm nhiều ngày theo chỉ dẫn của ông Thanh Quang nhưng tiếc là do thời gian quá lâu nên không tìm được hiện vật lịch sử quý giá đó.
Cuối năm 1943, các đội xung phong Nam tiến, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đều trở về Tam Kim - Hoa Thám (Nguyên Bình). Tổng bộ Việt Minh và Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng tổ chức lễ tổng kết, liên hoan mừng thắng lợi và tặng các đội Nam tiến lá cờ “Xung phong thắng lợi”.  Tại lễ tổng kết, đồng chí Võ Nguyên Giáp, người tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến đánh giá: “Con đường Nam tiến mở ra theo chỉ thị của Bác và dưới sự chỉ đạo của Ban xung phong Nam tiến đã thành công xuất sắc, nối Cao Bằng và Thái Nguyên, Tuyên Quang. Các đội xung phong Nam tiến đã góp phần xứng đáng vào thành công đó”.
Về phần người liên lạc của Đại tướng, ngoài những chuyện kể trên được biết khi ông Thanh Quang mất nhiều năm, huyện Chợ Rã đã cải táng và đưa mộ ông về quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện để trông nom, hương khói.Qua xác minh tại Ủy ban nhân dân xã Chu Hương phát hiện một vật quý giá trong hồ sơ lưu trữ của xã, đó chính là tấm bằng“Có công với nước”,cấp ngày 02 tháng 01 năm 1979 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký; trên tấm bằng ghi rõ: “Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam tặng bằng Có công với nước: Ông Phương Văn Phia, xã Chu Hương, huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Thái;Đã tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám(Quyết định số 01/CP, ngày 02/01/1979, số bằng: 19/CCVN).Hiện nay, tại nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Chu Hương có vinh danh tên tuổi hai anh em Phương Văn Phia và Phương Văn Đán. Chị Đàm Thị Tốt, nguyên công chức văn hóa – xã hội UBND xã Chu Hương cũng cho biết là do gia đình ông Thanh Quang không còn ai nên xã vẫn quản lý tấm bằng Có công với nước nói trên.Hiện nay, tại nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Chu Hương có vinh danh tên tuổi hai anh em Phương Văn Phia và Phương Văn Đán (hàng tên ở thứ tự số 4 và 5).

Bằng Có công với nước của ông Phương Văn Phia (Thanh Quang)
Tên 2 anh em ông Phương Văn Phia, Phương Văn Đán trên
Nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Chu Hương (số 4-5)
Trên quê hương đồng chí Thanh Quang hôm nay, Nà Đông đã được sáp nhập vào thôn Bản Trù; thôn được nhà nước quan tâm đầu tư nhiều công trình, trong đó tuyến đường Bản Trù - Nà Đông được khởi công từ tháng 02/2019, có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 17 triệu đồng, bằng ngày công lao động, nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo 135, có tổng chiều dài trên 500m, được thiết kế mặt đường rải bê tông rộng 3,5m, do UBND xã Chu Hương làm chủ đầu tư đã gần hoàn thiện, việc đi lại không vất vả như hồi trước; đời sống kinh tế trong bản đã có nhiều khởi sắc; ngày càng thêm nhiều ngôi nhà xây mới được dựng lên, tạo nên diện mạo mới, với tương lai ngày càng sáng lạng của một bản làng trên đỉnh Phja Bjoóc – Núi Hoa – Núi Cứu quốc hùng vĩ. Dịp tết cổ truyền Canh Tý rồi, tôi có lên đó chúc tết, hỏi thăm một số bà con, nhất là tìm kiếm chính xác vị trí nền nhà cũ của ông nhưng tiếc là số người biết không nhiều hoặc biết rất mơ hồ; do vậy tôi không thu thập thêm được gì ngoài vài kiểu ảnh rồi chia tay họ.


Nà Đông hôm nay
*****
Địa bàn Bắc Kạn nói chung hay huyện Chợ Rã xưa nói riêng vốn là vùng hoạt động cách mạng gắn với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà cách mạng tiền bối của Đảng. Nhờ nhân dân địa phương đùm bọc, bảo vệ, giúp đỡ mà cách mạng được thành công, đồng chí Thanh Quang hay đồng chí Bàn Văn Hoan là những con người như vậy. Bên cạnh những việc đã làm được về chăm sóc người có công thì trên thực tế vẫn còn đó, rất nhiều nhân vật cách mạng ở địa phương và những câu chuyện liên quan đến quá trình hoạt động của họ đang bị thời gian lãng quên. Là những nhân vật từng hoạt động cùng Đại tướng, cuộc đời hoạt động cách mạng của họ chắc chắn có nhiều câu chuyện thú vị mà ta chưa biết; nhưng do thời gian khuất lấp nên có người chỉ còn là những nhân vật quá khứ “nằm yên” trong những trang sách sử…
Trong quá trình thu thập tư liệu viết bài, chúng tôi còn được nghe những trăn trở, suy tư của các nhân chứng lịch sử, của cán bộ và nhân dân. Tựu trung là mong muốn tên tuổi và công lao của ông Thanh Quang cũng như những người khác cần được truyền bá nhiều hơn, sâu rộng hơn để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tri ân những bậc tiền bối có công với nước, với quê hương.
Kết thúc bài viết này trong không khí những ngày mùa xuân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, trong tôi chộn rộn bao cảm xúc. Thành quả của sự nghiệp cách mạng hôm nay có được từ sự hy sinh, từ bao máu xương của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ và nhân dân, trong đó có người cách mạng Thanh Quang quê tôi. Nghĩ về điều đó, càng thấm thía lời dặn của Bác Hồ kính yêu về chính sách đối với người có công: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh hùng ấy”…
                                                                                       
                                                                                             KIM KIM





[1] Đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn, Ủy viên dự khuyết Thường trực Quốc hội khóa 1, Trưởng ban cán sự, Trưởng ban chỉ huy Công trường 111…(cha đẻ của đồng chí Nông Quang Đông, nguyên Phó Giám đốc Đài PTTH tỉnh Bắc Kạn).


Píc Cáy - căn cỨ cách mạng trong lòng dân

Píc Cáy thuộc thôn Khuổi Lùng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể) - một căn cứ cách mạng có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, giải phóng quê hương. Đây là bản định cư lâu đời của người Dao nằm ở lưng chừng núi Phja Bjoóc - núi Hoa Sơn - núi Cứu quốc, tên gọi Píc Cáy dịch sang tiếng Việt là “cánh gà” có lẽ để nói về quả núi có hình đôi cánh của chú gà trống oai vệ. Trong phong trào Nam Tiến, đồng bào Dao nơi đây sớm hưởng ứng phong trào cách mạng do mặt trận Việt Minh tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Các đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc cũng từng qua lại, hoạt động. Sau cách mạng Tháng Tám, toàn thể đồng bào Píc Cáy lại một lòng che chở, giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ làm báo Cứu quốc, cán bộ Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp.
Đường lên Píc Cáy
Tháng 9 năm 1943, một mũi Nam tiến do ông Nông Văn Quang phụ trách đến Vằng Kheo rồi sang Píc Cáy tuyên truyền, đầu tiên vận động vào hội được phó quản chiểu[1] Triệu Đức Vần. Tại nhà ông Vần, ông Quang đã chủ trì tổ chức lễ ăn thề, chặt đầu gà lấy máu nhỏ xuống bát rượu để sẵn, mọi người chuyền bát rượu để uống, với lời thề nếu ai phản bội cách mạng sẽ bị chặt đầu như con gà. Đây thực sự là sự sáng tạo trong công tác dân vận, tuyên truyền của Đảng, khi mà tổ chức các hội Cứu quốc thì phong tục, tập quán của đồng bào chẳng những được tôn trọng mà còn được vận dụng, lồng vào các nội dung cách mạng.
“Phó quản đã vào Hội Việt minh !”, tin đó truyền đi nhanh và khá rộng. Được tin đó, cả chánh, phó Mán[2] đến nhân dân lao động phía tây dãy Phja Bjoóc đều hăm hở đợi chờ cán bộ cách mạng đến làng bản mình, trong đó động trưởng xã Bằng Phúc thuộc tổng Quảng Khê cử người đến tận Píc Cáy tìm gặp để đón cán bộ, như vậy việc Mặt trận Việt Minh đã tuyên truyền, giác ngộ, vận động được tầng lớp trên như phó quản chiểu Vần tham gia hội nên đã lôi kéo được toàn thể bà con dân bản Píc Cáy và nhiều tầng lớp nhân dân tham gia các tổ chức cách mạng.
Nền nhà phó quản chiểu Triệu Đức Vần, nơi diễn ra lễ ăn thề
 theo cách mạng (tháng 9 -1943)

Ông Triệu Thanh Bảo ở Khuổi Lùng, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ xã Mỹ Phương, cháu ruột của phó quản chiểu Vần, trên cơ sở lời kể của các cụ có nói lại với chúng tôi về sự kiện lịch sử đó: Píc Cáy hồi đó chỉ trên dưới 10 nóc nhà, buổi ăn thề diễn ra tại nhà phó quản chiểu gồm các cán bộ cách mạng cùng đồng bào người Dao ở Píc Cáy và các bản vùng thấp các ông, bà: Triệu Đức Vần, Triệu Hữu Tinh (bố của ông Bảo), Triệu Hữu Pu, Triệu Hữu Cán (đều là con ông Vần), Triệu Hữu Phú, Triệu Giàng, Triệu Thị Dâm, Triệu Thừa Năng, Triệu Đức Nhoàn, Triệu Đức Chu. Ông Triệu Hữu Tinh là người trực tiếp chặt đầu gà lấy máu ăn thề, quyết tâm đi theo cách mạng, theo Việt Minh. Chiếc bàn tổ chức lễ ăn thề sau này đã được cơ quan bảo tàng lấy đi để quản lý hiện vật lịch sử.
Hồ sơ kiểm kê di tích do Bảo tàng tỉnh lập, có chi tiết: Theo cuốn sổ ghi chép bằng chữ Hán của ông Triệu Hữu Pu (tên khác là Bảo), con trai thứ hai của phó quản Vần ghi trong khoảng thời gian ông và các đồng chí của mình chặt đầu gà ăn thề gia nhập cách mạng gồm có các đồng chí: Lạc, Khang, Minh, Thạch, Đàm, Duẩn, Giáp, Thái, Sản, Hợp, Thành, Đô. Về nhân vật Hợp chính bí danh của ông Nông Văn Quang, hồi ký của ông kể chuyến từ Nà Lồm, Đôn Phong trở lại Píc Cáy có đoạn nói về bí danh của mình như sau:
“ Đi từ sáng sớm chiều tối mới đến Píc Cáy, đến đây anh giao thông vào gõ cửa nhà ông phó quản Vần. Ông mới đi nằm cũng dậy luôn hỏi: “Ai?người lạ hay người quen?”, “Tào miền, tôi ở bên Nà Lồm đưa cán bộ sang đây” – tiếng người giao thông trả lời.
- Cán bộ tên gì? Đồng chí ấy ở đâu?
- Đồng chí Hợp. Còn ở ngoài kia, đang chờ.
- À thế ra anh em người Dao mình ở Nà Lồm cũng đã vào hội rồi à?
Cả chủ nhà và anh giao thông ra đầu nhà đón tôi, ông Huần bảo bắt gà làm bữa tối tiếp chúng tôi. Cơm nước xong, tôi tranh thủ trao đổi với ông Huần. Cơ sở ở đây đang có nhiều thuận lợi”
                                               ***
Píc Cáy - nơi ghi dấu chân đồng chí Võ Nguyên Giáp, chuyện này từ hồi bé, tôi vẫn thường nghe các cụ hay kể, tuy nhiên qua đối chiếu các tài liệu, tôi thấy việc xác định đồng chí Văn có mặt tại Píc Cáy rõ nhất khoảng tháng 1 năm 1944, khi đồng chí Văn từ xã Nghĩa Tá, Chợ Đồn trở về Cao Bằng; đến Nà Lồm, Đôn Phong khi đoàn dự kiến đi theo lối từ tổng Hà Vị lên Ngân Sơn thì xảy ra sự kiện đồng chí Đức Xuân bị giặc sát hại, chặt đầu bêu ở chợ thị xã (đêm 08/1/1944). Do tình hình có nhiều diễn biến xấu, vì vậy phải đi đường khác là vòng qua Píc Cáy, ông Triệu Hữu Phung ở Nà Lồm, xã Đôn Phong đã cử con trai của mình bí danh là Hội Viên dẫn đoàn đi theo vết đường mò gấu săn nai trên đỉnh Phja Bjoóc, đưa đồng chí Văn, đồng chí Quang cùng đoàn đến Píc Cáy an toàn (theo Con đường Nam Tiến, trang 77-78). Hồi ký Từ nhân dân mà ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại chi tiết này như sau:
“Nà Lồm là một bản hẻo lánh ở trên triền núi Phja Bjoóc cao hơn mặt biển hàng ngàn thước. Chúng tôi rút lên rừng vầu, ở lại ít ngày, đêm đến, trời lạnh cắt da cắt thịt. Quần áo, chăn màn thiếu thốn, đêm nằm như có muôn vàn chiếc kim từ trên châm xuống, từ dưới châm lên. Sau vài ngay điều tra, biết đích xác đồng chí Đức Xuân đã bị địch hại, mọi người đều rất thương xót. …Chúng tôi tiếp tục đi trở về Cao Bằng. Để đề phòng sự bất trắc, chúng tôi không đi theo đường cũ, mà đi ngược theo dãy núi Phja Bjoóc.
Đồng chí Mán dẫn đường chiếu hướng Bắc, dùng dao phát cây mở lối đi dọc trên những đỉnh núi. Tiết trời đã về cuối đông, trên núi cao càng giá buốt. Nhiều lúc cả đoàn đang đi trong mưa mau, rét tê tái, nhìn xuống chân núi lại thấy nắng vàng rực trải ra trên những cánh đồng. Nghĩ đến một ngày mai tươi sáng tự do đi lại trên nẻo đường bằng phẳng của đất nước, cảm thấy người ấm lại. Ngày đi miết. Đêm tìm hốc đá nằm nghỉ. Có buổi sáng tỉnh dậy, sờ tay lên mặt thấy một con vắt tròn mọng nằm bám ở mi mắt….Cuối cùng, cả đoàn chúng tôi đã vượt qua hết dãy núi Phja Bjoóc. Đồng bào ở lũng Mán dưới chân núi đón đoàn cán bộ vừa đi xung phong Nam tiến về bằng một bữa cơm rất linh đình, mặc dầu ở các vùng chung quanh địch đang lùng sục ráo riết.”
Thận trọng với việc xác định đồng chí Võ Nguyên Giáp thực tế đặt chân đến Píc Cáy bao nhiên lần? tôi đến tìm gặp nhà văn Nông Viết Toại, là bậc lão thành tham gia cách mạng khi phong trào Nam tiến lan đến Ngân Sơn quê hương ông. Đặc biệt hơn ông chính là người chắp bút thể hiện hồi ký Con đường Nam Tiến qua lời kể của ông Nông Văn Quang. Sau khi trao đổi, nhà văn cho biết cũng chỉ nghe ông Quang kể về lần đến Píc Cáy nói trên của đồng chí Văn, nói thêm là đồng chí có ngủ một đêm ở Píc Cáy trong chuyến đi đó. Còn những chuyến lên Píc Cáy khác của Đại tướng có lẽ cần được tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu.
Chưa đầy một năm xây dựng, Đảng ta đã tạo được chỗ đứng chân của cách mạng trên dải đất vùng cao Chợ Rã, mà khu vực Phja Boóc làm trung tâm, thắng lợi này đã đánh thông hai khu căn cứ địa cách mạng: Cao Bằng với Bắc Sơn - Võ Nhai, đồng thời từ căn cứ Cao bằng qua Chợ Rã- Chợ Đồn.. liên lạc được với Ban Thường vụ Trung ương ở dưới xuôi.
          Từ cuối năm 1943 đến hết năm 1944, thực dân Pháp mở cuộc khủng bố lớn vào phong trào cách mạng, vì thế, các cuộc truy lùng của binh lính, mật thám và bọn tay sai địa phương trở nên ráo riết, điên cuồng nhất ra ở khu rừng Píc Cáy, nơi mà bọn chúng nghi có cơ quan bí mật của ta ở đó. Mảnh đất này đã thấm máu cách mạng khi trong một chuyến truy lùng cộng sản, giặc Pháp đã bắn chết ông Triệu Đức Chu, một hội viên Việt Minh gần bãi huấn luyện dưới nhà ông phó quản Vần chừng 100m. Số đồng bào chạy vào rừng dù thiếu thốn, khó khăn vẫn bí mật tổ chức lại lực lượng, bảo vệ cơ sở, liên lạc, đón cán bộ về chỉ đạo phong trào. Trong tháng 6 - 1944, cán bộ Nam Tiến gồm đồng chí Nông Văn Quang, Thanh Quang, Nguyên Tài. Từ Cao Bằng tổ chức nhiều đợt xuống Phja Boóc củng cố các hội Việt Minh ở Nà Đông, Píc Cáy. Theo hồ sơ kiểm kê của Bảo tàng tỉnh, trên quả đồi án ngữ trước mặt bản Píc Cáy có một mái đá khá rộng, thoáng mát (đồng bào gọi đó là hang Píc Cáy) có thể chứa khoảng 10 người. Tại mái đá này và bãi đất nơi ông Chu bị giặc bắn; đồng chí Nông Văn Quang, Thanh Quang đã mở các lớp huấn luyện, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng góp phần củng cố, phát triển phong trào ở địa phương và lan tỏa ra các vùng.
Với mong muốn đến tận nơi căn cứ lịch sử này để khảo sát, sưu tầm tài liệu, gặp gỡ nhân chứng để viết bài, tôi đã liên hệ và may mắn - có lẽ cũng là cái duyên khi được chính hậu duệ của phó quản chiểu Vần là anh Triệu Văn Thủy (con ông Triệu Thanh Bảo), nay là Bí thư Chi bộ Khuổi Lùng dẫn đường. Chẳng là, khi tôi ra ruộng gặp anh Thủy ở để đặt vấn đề; lập tức anh bỏ dở buổi cày sốt sắng dẫn tôi lên Píc Cáy !
Từ chân núi lên Píc Cáy chừng ba cây số, thời tiết này do vài hôm trước có mưa nhỏ nên đường trơn như đổ mỡ, dốc tức nhiều đá hộc rất khó đi. Tuy vậy, phong cảnh ven đường có một thác rất đẹp với nhiều tảng đá lớn, nước trong vắt chảy xối xả từ đỉnh Phja Bjoóc xuống cũng làm lòng người ấm lại, nơi này rất thích hợp cho bạn trẻ picnic, tắm mát vào mùa hè, selfie- chụp ảnh tự sướng, sống ảo!...Rừng ở đây vẫn nhiều cây gỗ to; đúng mùa nên măng vầu mọc bạt ngàn, đội đất mầm nhô nhọn hoắt ven đường.
Đến nơi, ngôi nhà của ông phó quản chiểu, nơi diễn ra lễ ăn thề theo cách mạng năm xưa giờ chỉ còn trong ký ức, ông Vần cũng đã mất từ hơn sáu chục năm trước. Gần nền nhà cũ là nhà ông Triệu Hữu Pu (con thứ hai của phó quản Vần, ông Pu đã mất từ năm 1995) hiện trong nhà vẫn còn treo khẩu súng kíp do Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Kạn cấp năm 1965, có cả giấy chứng nhận số 336/TC-UB do Chủ tịch UBHC tỉnh Hoàng Mỹ Đức ký ngày 14/4/1965, trên giấy ghi: “Chứng nhận ông Triệu Hữu Pu, dân tộc Dao ở xóm Pích Cáy, xã Mỹ Phương, huyện Chợ Rã là người có công giúp đỡ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Được Ủy ban hành chính tỉnh cấp cho một khẩu súng kíp để cho ông Pu dùng làm súng tư, bảo vệ mùa màng”.

Khẩu súng kíp do Ủy ban hành chính tỉnh cấp cho ông Pu năm 1965
Tiếp tục theo chân chắt ruột của phó quản chiểu Vần, tôi được quan sát bãi huấn luyện của cán bộ cách mạng, nay dân đã cải tạo thành ao, gần ao này là nơi ông Chu bị giặc giết hại. Còn mái đá nơi mở các lớp huấn luyện, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng nay thuộc địa vực vườn rừng của một gia đình ở thôn Khuổi Lủng, xã Mỹ Phương, diện tích mái đá rộng chừng 12m2 . Ai có thể nghĩ những bãi đất, mái đá bình thường kia, vốn có đầy trên vùng núi lại chính là lớp học của cộng sản, nơi đã ươm mầm cách mạng vươn đi khắp vùng miền Việt Bắc, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Cũng tại Píc Cáy, ngày 11/8/1945, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã triệu tập hội nghị quân chính để bàn biện pháp tiến công tiêu diệt quân phát xít Nhật, giải phóng thị xã nhưng bị địch tìm cách phá nên hội nghị tạm hoãn. Theo chủ trương của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang đã áp sát các cứ điểm của địch, đẩy chúng vào tình thế bị động, hoang mang cực độ…


Bãi đất nơi huấn luyện của cán bộ cách mạng, nay dân đã cải tạo thành ao
                                                                         ***
           Trong kháng chiến chống Pháp, do là nơi có rừng núi hiểm trở, lại hoàn toàn nằm trong vùng tự do nên xã Mỹ Phương nói chung, Píc Cáy nói riêng là nơi tiếp nhận các cơ quan Trung ương, của tỉnh đến sơ tán. Năm 1947 tòa soạn báo Cứu quốc được đưa tới Bản Hậu, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân Mỹ Phương nói chung, đồng bào Dao ở Píc Cáy, Vằng Kheo, Khuổi Khún nói riêng để hoạt động[3]. Theo nhà văn Nông Viết Toại, trong kháng chiến chín năm, cán bộ cách mạng qua lại Píc Cáy rất đông đoàn ra, đoàn vào, riêng ông cũng lên công tác trên đó nhiều lần.
         Trong số những người làm báo Cứu quốc ở đây có nhà văn Tô Hoài, Nam Cao…Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy thời làm Chủ nhiệm báo Cứu quốc từng có bài thơ về Píc Cáy, tác phẩm 7.1947 của Tô Hoài nhớ lại chuyện đó như sau: " Nhớ lại năm làm báo Cứu Quốc Việt Bắc bao giờ tôi cũng nhớ mùa hoa mơ và những ngày áp Tết. Hoa mơ nở trắng các bản trắng đầy trong cánh đồng và đầu suối. Bạt ngàn, trắng ngần, trắng ngần rừng mơ chân núi Phja Bjoóc...Nam Cao đã được chi bộ kết nạp vào Đảng ở núi Phja Bjoóc trong những ngày ấy...
             Chúng tôi lên Cốc Phường, qua Vằng Kheo, sang Píc Cáy, ngọn núi cao nhất…Tôi biết thêm sự tích núi Phja Boóc - Phja Bjoóc là Núi Hoa, núi hoa thơ mộng. Bởi vì trên núi có dòng suối, ban đêm nước chảy lóng lánh cát vàng, cát bạc sáng như rắc hoa. Tôi ngồi giữa yên tĩnh rừng núi Phja Bjoóc và những làng Dao. Tưởng như bọn Tây đang đốt phá dưới chân núi kia là cái bóng chập chờn ngoài cuộc đời này. Trở về, Xuân Thuỷ làm một bài thơ dài, Đường lên Píc Cáy âm u. Bài thơ in trên báo Cứu quốc Việt Bắc ký tên là Trần Liên".
          Ai có ngờ, một bản làng người Dao heo hút, hẻo lánh trên núi cao như Píc Cáy lại có niềm tự hào vì là nơi từng che chở, nuôi giấu, giúp đỡ những nhà cách mạng, nhà quân sự, nhà ngoại giao xuất sắc và nhà văn, nhà báo lớn của đất nước ta trong thời kỳ hoạt động bí mật. Ngược lại, nhờ Píc Cáy và các bản làng khác trên triền Phja Bjoóc; các chiến sỹ cách mạng có cơ hội, môi trường để thể hiện tinh thần bất khuất, biến gian khổ, hiểm nguy thành “Lò tôi luyện” về ý chí và tinh thần của người chiến sỹ cộng sản, sẵn sàng xả thân hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong lá thư ngày 2 tháng 9 năm 1948 của Tổng bộ Việt Minh gửi ông Triệu Hữu Pu, xóm Píc Cáy và các gia đình đã ủng hộ cách mạng có đoạn:
         Các bạn vì cách mạng, vì đất nước giúp đỡ chúng tôi nên chúng tôi đến đâu cũng có cuộc sống gia đình..nhờ có tinh thần giác ngộ ấy, nhờ có sự đoàn kết của nhân dân với cán bộ nên cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã mau khởi nghĩa thành công và cuộc kháng chiến cũng như cuộc thi đua cứu quốc ngày này đang tiến và mạnh...Cảm động hơn nữa là khi chúng tôi nhớ tới những sự bảo vệ của những gia đình cách mạng đối với cán bộ trong những ngày Nhật, Pháp khủng bố...Kháng chiến thắng lợi, giặc Pháp và bù nhìn bị quét sạch, đất nước hoàn toàn độc lập thì chúng ta sẽ gặp nhau vui sướng, hân hoan trong những ngày vinh quang của dân tộc”[4].
***
Ông Triệu Thanh Bảo ở Khuổi Lùng cho biết thêm: khoảng năm 1967-1968 ông Nông Văn Quang người cán bộ Nam Tiến năm xưa, lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Khu tự trị Việt Bắc từng hai lần trở lại Píc Cáy thăm lại cơ sở cách mạng xưa, đồng thời vận động bà con hạ sơn theo chủ trương của Đảng. Hiện nay, trên Píc Cáy chỉ còn 4 hộ do hầu hết các gia đình đã xuống vùng thấp làm ăn từ mấy chục năm trước. Ông Triệu Đức Vần và 3 người con cùng khoảng 5 người dân khác ở Píc Cáy đã được Chính phủ tặng bằng Có công với nước. Hậu duệ ông phó quản chiểu có nhiều người tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng tham gia công tác xã hội; trong đó người con trai út của ông là Triệu Hữu Lý được nhà nước cử đi Trung Quốc du học, sau này làm tới chức Vụ trưởng, Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc, cơ quan ngang Bộ của Chính phủ), người Píc Cáy thoát ly còn có bà Triệu Thị Thái cũng là cán bộ của huyện Chợ Rã, sau chuyển về huyện Bạch Thông (bà là vợ nhà thơ Triệu Kim Văn, nguyên Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn).
Tuy vậy, ông Bảo và anh Thủy vẫn còn đó niềm trăn trở là trên căn cứ cách mạng xưa giờ chỉ còn 4 hộ nhưng cả 4 đều là hộ nghèo, bản này cũng chưa có điện lưới quốc gia. Khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp và màu mỡ nên bà con trên này trồng được hàng trăm ha trúc bản địa và vài chục ha cây mỡ tươi tốt nhưng chẳng bán được vì không có đường xe lên vận chuyển, trước đây cả ngày dùng sức người cũng chỉ vác được một bó đem xuống thôn Thạch Ngõa bán nên chẳng được bao nhiêu, nay khá hơn nếu thời tiết tốt có thể dùng xe tắc tơ để chở đi. Điều mong muốn của bà con nơi đây không gì hơn là sớm được đầu tư một con đường và Píc Cáy cần được xếp hạng di tích lịch sử để đặt bia vinh danh những người có công với nước, trên cơ sở đó những hiện vật lịch sử hiện đang rải rác mới được thu thập, bảo quản đúng quy trình tránh được nguy cơ hư hỏng, mất mát; ví dụ như lá thư Tổng bộ Việt Minh gửi bà con Píc Cáy hiện đã mục nát, khi tôi đề nghị gia đình ông Bảo cho xem nhưng chưa tìm thấy, cũng may nội dung thư trước đó đã được đưa vào cuốn lịch sử Đảng bộ xã.
Ông Triệu Thanh Bảo cháu ruột quản chiểu Vần
 bên tấm bằng “Có công với nước”

Anh Triệu Văn Thủy, Bí thư Chi bộ Khuổi Lùng (phải)
 và bà con trên bản Píc Cáy
***
Hơn 75 năm trước, nhà thơ, nhà báo, nhà ngoại giao kỳ cựu Xuân Thuỷ làm bài thơ Đường lên Píc Cáy âm u, giờ đây nếu còn sống thì ông cũng không tưởng tượng được những bản làng ở Mỹ Phương hôm nay đã bừng sáng ánh điện, dù Píc Cáy còn khá khó khăn nhưng cơ bản diện mạo hầu hết các bản làng trong xã ngày càng đổi mới, đời sống người dân ngày càng cải thiện, nâng cao, xã đã được đầu từ nhiều công trình, trong đó từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương; đáp ứng nhu cầu đời sống và sản xuất; thúc đẩy trao đổi hàng hóa, thông thương buôn bán giữa các thôn, với trung tâm xã và các xã lân cận...
Giáo dục lịch sử đấu tranh của cách mạng cho thế hệ trẻ là sự cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc, là việc cần làm và phải được làm tốt. Píc Cáy, căn cứ cách mạng trong lòng đồng bào Dao đã được Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ kiểm kê di tích từ hàng chục năm nay, hy vọng sớm được cấp thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử như mong muốn của bà con để tri ân xứng đáng những đóng góp to lớn và quan trọng của căn cứ cách mạng này đối với đất nước, trở thành địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho muôn đời sau.
                                                                                                      
KIM KIM

  




[1] Là chức vụ do thực dân Pháp đặt ra cho vùng dân tộc Dao
[2] Mán là cách gọi trước đây đối với dân tộc Dao
[3] Theo lịch sử đảng bộ huyện Ba Bể (1930-1945)
[4] Theo Lịch sử Đảng bộ xã Mỹ Phương.