Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020


CHUYỆN VỀ ĐỒI CHÁNH SỨ

Đồi Chánh sứ hay còn gọi là Đồi Thông là ngọn đồi lịch sử tại thành phố Bắc Kạn, nơi đây có hai di tích lịch sử đã được xếp hạng là Nhà Công sứ Pháp và Hội trường chữ U nơi đón Bác Hồ về thăm nói chuyện với cán bộ, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, là nơi Tổng Bí thư Trường Chinh ẩn nấp, thoát vòng vây giặc Pháp trong ngày thực dân Pháp nhảy dù chiếm thị xã Bắc Kạn.
Vào năm đầu tiên của thế kỷ 20 tại Sài Gòn, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ký Nghị định về việc thành lập tỉnh Bắc Kạn vào ngày 11-4-1900. Lịch sử 120 năm tỉnh Bắc Kạn được bắt đầu từ một dòng bằng tiếng Pháp như sau: “Les portions détachées du 2e territoire, dans les memes conditions, forment une province distincte, dite "province de Bac-kan”; dịch: Những phần đất tách khỏi Đạo quan binh 2 cũng theo những điều kiện như trên mà tạo thành một tỉnh riêng gọi là “tỉnh Bắc Kạn”. (theo cuốn Bulletin officiel de l'Annam et du Tonkin- Bản tin chính thức của An nam và Bắc Kỳ - xuất bản năm 1900).
Về hành chính cấp tỉnh, có Tòa Công sứ và các tổ chức phụ tá như: Hội đồng hàng tỉnh và một số sở chuyên môn. Năm 1900 viên Công sứ đầu tiên ở Bắc Kạn là Wulfingh, Phó Công sứ là Gouverneur. Công sứ Pháp (Résident) hoặc Chánh Công sứ là đại diện của người Pháp do Toàn quyền Đông Dương cử xuống cai trị một tỉnh (province), dân ta hồi đó quen gọi là Chánh sứ. Những tên này có nhiều quyền hành như "vua con", “chúa nhỏ”, thống trị tùy ý bất chấp luật lệ; là người nắm bắt và báo cáo tình hình của tỉnh về mọi mặt với Thống sứ Bắc Kỳ thông qua hệ thống quan lại người Việt (tuần phủ, tri châu, lý trưởng, phó lý, chánh hội..) “Bộ máy của chúng có một số ít quan tây điều hành còn chủ yếu chúng dựa vào tay sai ở các châu, tổng. Bọn này có hàng trăm và làm việc cẩn mật cho đế quốc”[1].
Cảnh đồi Chánh sứ hiện nay.
Tháng 7-1901, thị xã Bắc Kạn được thành lập, trở thành trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của tỉnh, tại đây chúng đã chọn Đồi Thông để xây dựng Tòa Công sứ và nơi làm việc, đây là một ngọn đồi cao trồng hai loại cây thông và muỗm, vị trí rất đẹp, cao ráo thuận lợi cho việc phòng thủ và án ngữ, khống chế đường thuộc địa số 3, diện tích khoảng 6ha. “Bởi vị trí Bắc Kạn nằm dọc đường quốc lộ số 3 nên chính quyền đế quốc phong kiến kiểm soát chặt chẽ. Chúng lập nhiều đồn lính để không chế nhân dân.  Ba ngọn đồi cao giữa thị xã đã trở thành ba vị trí kìm kẹp của thực dân Pháp: Đồi Giám binh, đồi Chánh sứ, đồi Bố chánh”[2]...
Đồi Thông hôm nay không còn thông già, chỉ có thông non; muỗm thì còn lại dăm ba cây cổ thụ trên di tích. Nhân thể, nói qua một chút về cây muỗm, muỗm hay còn gọi là “quéo”, nó tên khoa học là Mangifera foetida, là một loài thực vật thuộc họ đào lộn hột. Cây to, cao trung bình 15-20 m, lá đơn nguyên, mọc so le, thuôn dài về phía gốc, mặt lá nhẵn bóng. Hoa trắng nhỏ mọc thành chùm kép ở ngọn cành, lá đài nhẵn, hình bầu dục, nhọn. Cánh hoa hình mũi mác hẹp, dài gấp ba lần lá đài. Quả hạch hình thận bé hơn quả xoài, khi chín mầu vàng, thịt mọng nước, có mùi thơm đặc trưng; quả quéo xanh rất chua, ít khi được sử dụng để ăn mà phải đợi chín vàng mới có vị ngọt. Riêng tôi đồ rằng những quả muỗm ở đồi Chánh sứ nó còn có thêm dư vị của lịch sử đấy !
****
         
Cây muỗm trên đồi Chánh sứ
Theo mô tả trong hồ sơ của Bảo tàng tỉnh: sát dinh Công sứ là dinh Phó Công sứ, từ nhà Phó Công sứ nhìn chếch hướng tây nam 200m là bệnh viện, trường học của thực dân Pháp. Sau nhà Chánh Công sứ chếch hướng đông nam là bể nước, nhà bếp, nhà ăn, cách đó về hướng nam 20 m là một vực sâu trong đó có 1 cái giếng được Pháp xây bằng gạch đường kính 2,5m, bên phải nhà Chánh Công sứ về hướng đông bắc là văn phòng (nơi làm việc), cách nhà Chánh Công sứ 60 m là bể bơi dài 6m, rộng 2,5 m chỉ dùng cho vợ chồng Chánh, Phó Công sứ và quan lại Pháp. Hiện trạng của di tích hiện nay chỉ còn duy nhất một ngôi nhà bát trụ (8 cột tròn bằng bê tông cốt sắt) cách cổng chính của UBND tỉnh về phải bên phải 20m, mái nhà đã được cải tạo và ốp ngói, cột có đường kính 0,4m; cao 4,5m; mái tròn có đường kính 3m; khoảng cách giữa 8 cột cách nhau 1,2m; nền cao 0,6m. Toàn bộ cột cao khoảng 5,2m. ở chính giữa ngôi nhà hiện nay có treo một chiếc chuông đồng cổ. Đây là nơi treo hoa, cây cảnh, nuôi chim công...và là nơi ngắm cảnh của vợ chồng Chánh sứ. Dù sự cai trị của thực dân Pháp tại Bắc Kạn đã kết thúc gần 71 năm nhưng dư âm về sự thống trị, nơi ở của thực dân Pháp vẫn còn đó với Tòa Công sứ - biểu tượng một thời cho quyền lực của chính quyền thực dân, chế độ cũ; vẫn còn đó qua cách gọi “đồi Chánh sứ, đồi giám binh”…
          Mặc dù nghe tả như vậy nhưng tôi vẫn chưa thấy thỏa mãn, mà lại càng tò mò muốn thấy khu nhà hồi đó trông như thế nào? Thử liên hệ một số nơi nhưng tiếc là không có. Đành phải lần tìm trên mạng, phải công nhận người Pháp họ là bậc thầy về lưu trữ, những tư liệu, hình ảnh hơn cả trăm năm và tôi đã gặp may: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp- (Archives nationales d'outre-mer in Aix-en-Provence) có lưu giữ một bức ảnh chụp tương đối rõ theo góc nhìn hiện nay là từ trụ sở Ban Chỉ huy quân sự thành phố nhìn sang – ảnh chụp khoảng năm 1935, trong ảnh có con đường, các ngôi nhà, là đình chợ, là đường đi Chợ Đồn...Trên đồi cao, một phần dinh Công sứ Pháp hiện lên với các khối nhà lớn, bật lên đặc điểm cơ bản nhất của kiến trúc Pháp, đây là tinh hoa của nhân loại chứ không phải của riêng bọn thực dân: Các ngôi nhà, chính xác là biệt thự đã chắc chắn được chỉnh sửa – thay đổi khá nhiều về thiết kế và các chi tiết để phù hợp với khí hậu Việt Nam – một đất nước nhiệt đới gió mùa nóng ẩm; là mái nhà dốc bằng gạch ngói cổ điển, dàn mái cao rộng tạo dáng như chiếc nón của người Việt, trên mái lại luôn có những ô cửa sổ nhỏ giúp lưu thông gió tự nhiên, làm ngôi nhà luôn trong trạng thái dễ chịu, nó thường phải xây trên một nền cao để hứng gió, tách xa mặt đất để hạn chế nhiệt hắt từ đất lên… Và khối nhà trắng xa xa đằng sau chính là khu vực trụ sở các ban xây dựng đảng Tỉnh ủy bây giờ, nó chính là trường học, bệnh viện của thực dân...như hồ sơ Bảo tàng mô tả!
Nhà công sứ năm 1935 (nhà màu trắng trên đồi)
***
Từ thắc mắc của tôi về chiếc chuông đồng cổ treo ở nhà bát trụ có phải của đền Tổng Tò, xã Dương Quang như người ta vẫn kể? anh Hoàng Văn Hạnh công tác ở Bảo tàng tỉnh cho biết: đây là chuông chùa Kim Sơn, chùa này đối diện đền Tổng Tò hiện nay, trên chuông khắc “Kim Sơn thiền tự” (chùa tu thiền Kim Sơn), do vậy nó không thể là của đền được ! Trên chuông này có khắc bài minh vịnh cảnh, ca ngợi cảnh đẹp Bắc Kạn: "...Việt Nam đất danh thắng/Phải kể xứ Thái Nguyên/Với Bạch Thông đẹp cảnh/Nức tiếng thiền Kim Sơn/Thế đất đứng nguy nga/Sương khói quyện chiều tà/Núi chập trùng xếp gấp/Sông uốn dòng xa xa…"
          Lại càng ít người biết, năm xưa vua Bảo Đại đã từng đặt chân đến Bắc Kạn và ăn trưa tại tòa sứ này. Đó là chuyến kinh lý miền thượng du của nhà vua ngày 06/12/1933, báo chí thời đó mô tả như sau: “lúc sáu giờ sáng vua từ Cao Bằng theo đường thuộc địa số 3 với tình cảnh “đường càng tệ”, “qua đèo Gió (Col des Vents), xe bốc lên lưng trời, nom bao quát cả một “giẫy” (dãy) núi non làm cho người ta tưởng tượng như qua đèo Hải Vân, gần tới Ngân-Sơn đường đã khá nhưng lại gặp một cái nguy hiểm nữa là qua đèo Giàng”; vua đến Bắc-Kạn hơn 11giờ, tảo thiện (ăn trưa) lúc 12 giờ tại tòa Sứ , nghỉ ngơi đến 2 giờ chiều xuống Thái Nguyên, trở về Hà Nội…(theo tờ Hà Thành ngọ báo số 1879, ngày 07/12/1933).
Khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), quân Pháp ở thị xã có 5 trung đội lính do quan năm Pháp chỉ huy đã hoảng sợ và nhanh chóng rút khỏi thị xã. Vậy là, khu đồi này đã chốt lại lịch sử với tư cách là nơi xây dựng hệ thống cai trị của thực dân Pháp ở thị xã Bắc Kạn cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công.
****
Vị trí có căn hầm Tổng Bí thư Trường Chinh thoát vòng vây giặc Pháp
Liên quan đến ngọn đồi lịch sử này, hẳn là sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến sự kiện vào lúc 6h15’ và 10h sáng ngày 7/10/1947, quân Pháp đã nhảy dù hai đợt đánh chiếm thị xã Bắc Kạn vì tin rằng đây chính là thủ đô chính trị mới của ta. Một số cán bộ cao cấp của ta như Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, bị kẹt ở thị xã, phải rút xuống hầm ở Dốc Tiệm, chân đồi Chánh sứ (nay thuộc tổ 1, phường Phùng Chí Kiên), chờ trời tối mới thoát ra ngoài. Sau khi ra tới Bản Rạo (nay thuộc phường Xuất Hóa), đồng chí Trường Chinh viết bản Chỉ thị “Phát động chiến tranh du kích” giao cho đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Tỉnh đội trưởng Bắc Kạn thực hiện. Ngày 9/10/1947, thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Trường-Chinh ra Chỉ thị "Cần kíp gửi các đồng chí Tỉnh uỷ Bắc Kạn và các đồng chí phụ trách quân, chính, dân Bắc Kạn", vạch rõ mục đích cuộc tấn công của giặc Pháp và xác định những nhiệm vụ cần kíp của các địa phương về quân sự, chính trị và kinh tế. Cuối bản chỉ thị, đồng chí nhấn mạnh: "Chúng ta có ba điều kiện để thắng: thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Điều cần thiết là chúng ta biết lợi dụng triệt để những điều kiện ấy để giành lấy thắng lợi".
Nhắc về lần thoát hiểm đó của Tổng Bí thư, nhà văn Thép Mới viết: "Thấy động, anh Trường-Chinh chạy ra rừng, cứ theo hướng tây mà chạy miết. Anh nấp vào một ngách hầm sâu cùng nhiều đồng bào và cán bộ, kêu gọi mọi người không ai náo động để địch khỏi lùng sục đến... Nhờ đêm không trăng, anh lăn từ trên đồi xuống khe sâu, rồi bò lách qua rừng cây rậm rạp, thoát ra khỏi vòng vây của giặc, băng mình vào rừng nhờ đó mà thoát hiểm. Có lẽ chính lần đó, người lãnh đạo kháng chiến đã trải qua đầy đủ nhất thực tế chiến đấu của nhân dân. Anh nhập vào dòng đồng bào tản cư, sống với du kích thị xã với con mắt của nhà lãnh đạo hỏi chuyện người dân và người chiến sĩ bình thường. Rồi anh tìm gặp thị đội, tỉnh đội, cấp ủy xã, huyện. Tỉnh ủy (Bắc Kạn) đón anh về, mời anh tham gia hội nghị tỉnh ủy để anh cho thêm ý kiến về kế hoạch tiến hành chiến tranh nhân dân, chiến đấu trong lòng địch và phối hợp với các địa phương khác cản phá cuộc tiến công đại quy mô của giặc Pháp".
                                                ****

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ngày 16/9/1958 trên đường thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc trở về Thủ đô trên hành trình Mỏ thiếc – đèo Col de Léa – Hà Hiệu – Nà Phặc – Quốc lộ 3, Hồ Chủ tịch đến Bắc Kạn, ở đây Người gặp gỡ và nói chuyện với hơn 700 cán bộ tỉnh, huyện, xã về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nhắc nhở mọi người ra sức cố gắng giành vụ mùa thắng lợi. (theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử tập 7 - (1/1958 - 12/1960); Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật). Nơi Bác nói chuyện tại hội trường chữ U trên Đồi Thông, thị xã Bắc Kạn, chính là khu vực nhà Công sứ trước đây. Mới đây không lâu, địa điểm này đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.




Nhà bát trụ xưa và nay

Tư liệu về đồi Chánh sứ những năm sau đó không nhiều, được biết có thời gian nó được sử dụng làm nơi đóng quân của các đơn vị thuộc Liên đoàn Địa chất, Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động của Ty Công an Bắc Thái và là trường cấp 2 thị xã...Toàn bộ hiện trạng của di tích đã cải tạo và san lấp hết, không còn để lại dấu tích gì về hình dáng, nền móng khu nhà. Hôm nay, trên tàn tích biểu tượng chính quyền thực dân năm xưa đã được thay thế bằng khối nhà làm việc của chính quyền nhân dân – trụ sở UBND tỉnh. Năm 2001, sau gần 101 năm kể từ ngày thành lập tỉnh, nơi này đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
****

Dưới bóng những cây muỗm cổ thụ trên nền nhà Công sứ năm xưa, quanh chiếc chuông cổ treo ở nhà bát trụ, khiến ai đó khi nhìn, ngắm, ngẫm nghĩ về các di tích, câu chuyện cũ ở đây thường lại liên tưởng về một thời gian khổ, lầm than dưới ách nô lệ nhưng rất hào hùng của quê hương. Đây cũng là một địa điểm có vị trí thuận lợi, phong cảnh quá đẹp cho việc chụp hình sống ảo hoặc ngắm cảnh, chỉ cần đứng phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xuống, đã thấy thành phố trẻ đang vươn mình trỗi dậy với một sức sống mới mẻ, tạo thành một đô thị mang đậm nét bản sắc địa phương miền núi, một thành phố mới tỏa sáng trong mắt người.


                                                                           
                                                                                          





         


[1] Lịch sử Đảng bộ thị xã Bắc Kạn (1943-1995)
[2] Lịch sử Đảng bộ thị xã Bắc Kạn (1943-1995)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét