Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Những chi tiết đáng chú ý trong chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam đến Matxcơva năm 1950




 
20.10.2011, 13:36
In bàiGửi mail cho bạnBổ sung vào blog
© The Voice of Russia
© The Voice of Russia
Hôm nay chúng tôi sẽ kết thúc câu chuyện về những tư liệu mới chỉ được rõ trong thời gian gần đây, liên quan đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao Xô-Việt. Để đàm phán về khoản viện trợ của Liên Xô vốn rất cần cho nước Việt Nam DCCH thời kỳ khó khăn 49-50, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang Liên Xô gặp ban lãnh đạo xô-viết.  Có hai giả thiết về thời điểm  Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Matxcơva – trung tuần tháng Chạp 1949 và đầu tháng Hai 1950. Tức là trước hoặc sau khi Liên Xô chính thức công nhận nước Việt Nam DCCH.
Chuyên viên Evgeni Kobelev đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga) nêu ý kiến: “Tuy nhiên, lập trường nguyên tắc về vấn đề này đã được ban lãnh đạo xô-viết xác định từ trước chuyến đi của  Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Matxcơva, thậm chí  cả trong trường hợp chúng ta xét mốc đến sớm nhất trong hai phương án kể trên. Ngay từ ngày 10 tháng Chạp,  cuộc họp của Bộ Chính trị BCH Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô đã thông qua quyết định "chấp  thuận đề nghị của Bộ Ngoại giao Liên Xô về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam DCCH”, động thái được thực hiện sau đó vào ngày 30 tháng Giêng 1950”.
Ở đây cần lưu ý rằng nếu thời gian đầu sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ban lãnh đạo Liên Xô ít có thông tin về tình hình Việt Nam, thì chỉ đến cuối những năm 40,  thực trạng công việc đã là khác hẳn. Chẳng hạn, ngày 6 tháng Giêng 1950,  Stalin đã viết cho Mao Trạch Đông như sau: "Tôi đã có dịp xem các tài liệu về Việt Nam và Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng đồng chí Hồ Chí Minh tiến hành công việc rất tốt và xứng đáng nhận được mọi hỗ trợ”.
Và chính trong khoảng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện diện tại Matxcơva, trên cơ sở những đề đạt của lãnh tụ Việt Nam, ban lãnh đạo xô-viết đã hoạch định các hướng hiệp lực cơ bản cùng với đất nước Việt Nam DCCH, mà giả như thiếu đi thì việc thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ vẫn chỉ là động tác hình thức.
Bởi hồi đó các hải cảng Việt Nam vẫn còn do quân Pháp kiểm soát, giao thông liên lạc của Liên Xô và Việt Nam được thực hiện thông qua địa bàn Trung Quốc. Việc sử dụng tuyến đường đó chỉ thành có thể vào cuối năm 1949 – đầu năm 1950, sau khi những người Cộng sản Trung Quốc giải phóng được bộ phận lãnh thổ phía nam đất nước này. Chính vào thời điểm đó diễn ra cuộc đàm phán của  Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Matxcơva. Ngay trước khi hoàn tất các cuộc thương lượng,  thông qua Trung Quốc đã gửi đến Việt Nam lô hàng viện trợ cần thiết đầu tiên. Tổng  cộng cho đến tháng Năm 1954 Việt Nam DCCH đã nhận được từ Liên Xô 76 pháo phòng không, lượng lớn súng trường Kalashnikov và gần 700 chiếc xe tải.
Matxcơva đã gửi đến Việt Nam 12 dàn đại pháo nhiều nòng "Katiusha" nổi tiếng – thứ vũ khí đã đóng góp phần quan trọng trong thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Khi  Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Liên Xô cấp cho Việt Nam thuốc kí-ninh, vì  cư dân đang phải đương đầu với dịch bệnh sốt rét, Stalin đích thân ra lệnh cấp tốc gửi sang Việt Nam 5 tạ thuốc.
Tuy nhiên, trong những ngày ở Matxcơva, không phải là mọi đề đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được trọn vẹn. Chuyện nói về cuốn tạp chí "Liên Xô trên công trường xây dựng", mà vị Chủ tịch Việt Nam nhìn thấy trên bàn làm việc của Stalin trong cuộc gặp gỡ các lãnh đạo Xô Viết. Khi vị khách Việt Nam nói muốn có cuốn tạp chí này với thủ bút của nhà lãnh đạo xô-viết, Stalin đã cầm bút ký tên lên bìa tạp chí, sau đó chuyển tiếp để các cộng sự gần gũi như Molotov, Malenkov, Bulganin, Beria cũng đặt chữ ký vào đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh mang cuốn tạp chí về phòng mình, nhưng chỉ đến ngày hôm sau, cuốn tạp chí mang những chữ ký ấy đã biến mất một cách bí ẩn.  
Đó là nguyện vọng duy nhất bất thành của  Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ở Matxcơva, nơi Người có mặt hầu như cho đến cuối tháng Hai 1950. Khi Người về nước, Việt Nam DCCH đã là quốc gia được Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa công nhận. Vị đại sứ đầu tiên của Việt Nam DCCH tại Liên Xô là ông Nguyễn Lương Bằng,  đã tới Matxcơva vào mùa Xuân  1952. Đại sứ Liên Xô đầu tiên Lavrishchev trình quốc thư lên  Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội vào ngày  4 tháng 11 năm 1954.( theo TNNN )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét