Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

CÔNG TRÌNH PHÙ ĐIÊU CHIẾN THẮNG ĐÈO GIÀNG


CÔNG TRÌNH PHÙ ĐIÊU CHIẾN THẮNG ĐÈO GIÀNG


Đầu năm 2010, Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Bắc Kạn đã giao cho Liên danh Công ty CP Mỹ thuật Hữu Nghị Hà Nội và Công ty Cổ phần Bảo tồn Di sản Văn hóa Việtthiết kế và thi công Công trình di tích Đèo Giàng (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn). Đây là công trình thuộc dự án đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích ATK của tỉnh Bắc Kạn. Công trình dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2011.

Đèo Giàng nằm trên Quốc Lộ 3, giáp ranh giữa hai huyện Bạch Thông và huyện Ngân Sơn của tỉnh Bắc Kạn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với những trận đánh ở Đồn Phủ Thông, tại đây quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội góp phần cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh bại mọi âm mưu phá hoại chiến khu Việt Bắc của thực dân Pháp.
Một trong những sự kiện oanh liệt nhất, quy mô lớn nhất tại Đèo Giàng là trận đánh tại km 187 - 188 Đèo Giàng ngày 12/12/1947. Ngày ấy, quân dân ta đã tấn công vào đoàn xe cơ giới của địch gồm 22 chiếc xe tăng, xe thiết giáp, xe ô tô tải và xe Jeep chở lính lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn 165 (trung đoàn Thủ đô). Trận địa phục kích mà quân dân ta chọn là một đoạn đường hiểm trở, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu nên địch đã lâm vào thế bị cô lập hoàn toàn. Và ngay từ loạt đạn tấn công đầu tiên, quân dân ta đã khiến quân địch lúng túng không kịp trở tay. Kết quả là: Quân dân ta đã tiêu diệt được 60 tên địch, đốt cháy 17 xe cơ giới và thu được 2 triệu đồng Đông Dương, nhiều vũ khí quân trang, quân dụng khác. Qua trận đánh này, quân ta đã đúc rút được kinh nghiệm về chiến thuật phục kích cấp tiểu đoàn cho các trận phục kích đánh địch trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Sau thắng lợi này, Đèo Giàng đã trở thành địa danh gắn liền với những chiến công của Quân và dân ta liên tiếp giành được trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947. Đèo Giàng đã trở thành một địa danh lịch sử, một niềm tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và quân dân Bắc Kạn nói riêng. Hiện, Đèo Giàng đã trở thành 1 trong 11 di tích lịch sử của tỉnh Bắc Kạn được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc Gia.
Hiện nay, tại đoạn di tích Đèo Giàng đã thay đổi nhiều chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng một nhà bia kỷ niệm chiến thắng. Nhà bia được xây sát vách núi trên một khu đất rộng có cửa sắt, tường rào bảo vệ. Nhà bia được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mái làm theo kiểu nhà cổ (4 mái đao, dán ngói mũi hài) trên bốn cột bê tông tròn sơn màu giả gỗ để trống bốn mặt. Bên trong có đặt bia kỷ niệm ghi khái quát về chiến thắng Đèo Giàng năm 1947, bia được làm bằng đá, mặt bia hướng ra đường quốc lộ 3. Nền nhà bia được xây bằng gạch vữa xi măng, lát đá và trồng hoa trang trí, đường lên nhà bia được xây bậc thang bằng gạch trát xi măng sạch sẽ.
Cung đường Quốc lộ 3 qua di tích chiến thắng Đèo Giàng đã được nắn chỉnh lại tuyến cho phù hợp, đồng thời vẫn giữ gìn được đoạn di tích quan trọng, bảo tồn được yếu tố nguyên gốc của di tích mà không gây ảnh hưởng đến việc nâng cấp tuyến được huyết mạch của tỉnh Bắc Kạn.
Để ghi dấu sự kiện này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn đã đề xuất phương án lập phù điêu ghi dấu chiến công của quân và dân đã có công trong các trận đánh tại Đèo Giàng. Theo đó, công trình phù điều được bố trí sát vách núi, quãng đường cong mới của Đèo Giàng đảm bảo khoảng cách an toàn để bảo vệ công trình và giao thông. Phù điêu chiến thắng được đặt đối diện với nhà bia tưởng niệm của di tích, gồm 2 phần Phù điêu và sân lễ. Bức phù điêu miêu tả sống động cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống thực dân Pháp tại Đèo Giàng năm 1947.
Sau đây là một số hình ảnh của công trình:

Di tích Đèo Giàng nằm trên Quốc lộ 3

Phương án thiết kế mặt trước công trình phù điêu chiến thắng Đèo Giàng

Phương án thiết kế tổng thể công trình di tích Đèo Giàng.
theo Disanvanhoaviet.vn
Tiếp theo là một số ảnh do chủ blog chụp:





















                                                                                               

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ